Dưa lưới được biết đến là một trong những loại trái cây có hiệu quả kinh tế cao, phổ biến và được yêu thích. Tuy nhiên, loại quả này cũng phải đối mặt với những loại bệnh ảnh hưởng lớn đến năng suất canh tác. Vậy cách phòng, trị các loại sâu bệnh hại này ra sao, các bạn hãy cùng Vườn Sài Gòn tìm hiểu qua bài viết này nhé.
I – Đặc điểm sinh học của cây dưa lưới
Dưa lưới thuộc họ bầu bí, có thời gian sinh trưởng ngắn, trồng được nhiều vụ trong năm. Để cây sinh trưởng và phát triển tốt đòi hỏi một số yêu cầu như sau:
Nhiệt độ: nhiệt độ tối ưu cho cây phát triển từ 18-280C. Dưa lưới có thể chịu được nhiệt độ lên tới 40 độ C nhiều giờ mỗi ngày.
Ánh sáng: Dưa lưới phát triển tốt trong điều kiện khí hậu ấm khô và nhiều ánh sáng. Quang kỳ ngắn kết hợp với cường độ ánh sáng mạnh sẽ thúc đẩy cây ra hoa cái nhiều, tăng tỷ lệ đậu trái, trái chín sớm, năng suất cao. Khi trời âm u, ít ánh sáng, có mưa phùn thì cây dưa lưới phát triển kém, đặc biệt giảm khả năng đậu trái và phẩm chất trái.
Độ ẩm: Độ ẩm không khí thích hợp là 45-55%. Độ ẩm cao sẽ khiến cây dễ bị bệnh hại xâm nhiễm. Độ ẩm đất thay đổi đột ngột, nhiệt độ không thích hợp sẽ gây ra hiện tượng quả phát triển không bình thường, không cân đối, dị hình.
Khi ở trong điều kiện thuận lợi, dưa lưới phát triển rất tốt và cho năng suất cao. Tuy nhiên, khi các yếu tố kể trên có nhiều biến đổi sẽ khiến cho dưa lưới dễ mắc phải một số bệnh hại hay các loại côn trùng dưới đây.
II – Sâu hại trên cây Dưa Lưới
2.1 Bọ trĩ (Thrips palmi Karny) trên cây Dưa Lưới
– Bọ trĩ phát triển mạnh trong điều kiện khí hậu nóng và khô. Tuổi đời trung bình 15-18 ngày. Chúng gây bệnh nặng từ thời kỳ cây giống đến ra bông, đậu quả.
Giải pháp ngăn ngừa, diệt trừ
– Sử dụng bẫy dính dẫn dụ bọ trĩ.
– Chăm sóc cho cây sinh trưởng tốt.
– Ngắt bỏ các lá, hoa có mật độ bọ trĩ cao.
– Bọ trĩ có sức kháng thuốc cao và mau quen thuốc, do đó cần sử dụng những thuốc có công dụng tiếp xúc mạnh và thay đổi loại thuốc giữa những lần phun. Dùng những thuốc có hoạt chất Thiamethoxam: Confidor 100SL, Radiant 60SL… phun sau khi tiến hành trồng 3 ngày, tiếp đến phun thường kì 7 ngày 1 lần đến khi thụ phấn.
2.2 Rệp muội (Aphis gossypii) trên cây Dưa Lưới
– Rệp muội có tên gọi là Aphis gossypii, là sâu hại cực kỳ hay gặp ở cây dưa lưới.
– Rệp muội có hình dáng cực kỳ nhỏ, có màu xanh đen hoặc vàng nhạt, thường hay xuất hiện mặt dưới lá như các đốm nhỏ li ti và hình thành đốm lớn ở chồi.
– Loại sâu hại này thường hay xuất hiện khi khí hậu nắng nóng, ẩm độ thấp, tiết trời khô và ít mưa, chúng hút nhựa làm cho lá vàng nhuộm, héo rũ, khô lại, cây bắt đầu sinh trưởng kém dần. Chúng có thể phát triển từ khi cây còn non đến khi cây đã phát triển hoàn chỉnh, đẻ ra nhiều con và truyền bệnh nấm bồ hóng cho cây.
Giải pháp ngăn ngừa, diệt trừ
– Rệp muội dễ dàng tìm thấy ở cây trồng nên bạn cần bảo vệ các thiên địch như bọ rùa, kiến, nhện nấm,… để chúng diệt trừ loài sâu hại gây bệnh dưa lưới này.
– Phun thuốc Bihopper 270EC, Pesieu 500EC…
2.3 Nhện đỏ trên cây Dưa Lưới
– Thành trùng hình bầu dục, thành trùng đực có kích cỡ nhỏ, toàn thân phủ lông lưa thưa và thường có màu xanh, trắng hay đỏ với đốm đen ở 2 bên thân mình. Nhện có 8 chân, thành trùng cái màu vàng nhạt hay hơi ngả sang màu xanh lá cây, mỗi nhện cái đẻ khoảng 70 trứng.
– Cả ấu trùng và thành trùng nhện đỏ đều chích hút mô của lá cây khiến cây bị mất màu xanh và có màu vàng, sau cùng lá sẽ bị khô đi. Màu vàng của lá dễ quan sát thấy nhất là ở mặt dưới lá, gây giảm chất lượng và năng suất quả.
Giải pháp ngăn ngừa, diệt trừ
– Phun thuốc trừ sâu Bihopper, Pesieu..
2.4 Sâu ăn lá trên cây Dưa Lưới
Sâu non thường sống ở đọt và lá non. Sâu phát sinh và gây hại từ khi cây còn nhỏ đến khi có trái, nhiều nhất là khi cây bắt đầu ra hoa và có trái non.
Biện phá phòng chống:
– Thu dọn tàn dư cây sau thu hoạch.
– Bắt, loại bỏ sâu hại, nhộng.
– Phun thuốc phòng trừ sâu hại như: Neem chili, radiant…
III – Các bệnh thường gặp ở cây Dưa Lưới
3.1 Bệnh sương mai ở cây Dưa Lưới
Dấu hiệu nhận biết: Vết bệnh ban đầu là những chấm nhỏ, không màu hoặc màu xanh nhạt sau đó chuyển sang màu vàng đến nâu nhạt, hình tròn đa giác hoặc bất định, thường giới hạn bởi gân lá.
Nguyên nhân: Bệnh này thường lây lan từ các lá già ở gốc, sau đó lan dần lên lá non. Bệnh xuất hiện khi gặp thời tiết mưa nhiều, nhiệt độ thấp, độ ẩm cao.
Cách khắc phục: Sử dụng thuốc Ridolmin Gold 68WG, Aliette 800WG.
3.2 Bệnh thán thư ở cây Dưa Lưới
Dấu hiệu nhận biết: Đốm bệnh là những đốm tròn không đều đặn, màu nâu, nâu đen, kích thước khoảng 3-10mm. Lá bệnh nặng có rất nhiều đốm và lá bị nhăn, trên quả đốm bệnh bị úng nước, các đốm bệnh phát triển nhanh liên kết lại làm thành các vết thối rộng ra.
Nguyên nhân: Thời tiết mưa nắng thất thường giúp cho nấm hại phát triển
Cách khắc phục: sử dụng thuốc Polyoxin AL 10WP.
3.3 Bệnh thối thân, nứt thân, chảy nhựa ở cây Dưa Lưới
Dấu hiệu nhận biết: Đầu tiên trên thân có đốm hình bầu dục, hơi lõm, màu vàng nhạt có nhựa nâu đỏ ứa ra. Bệnh nặng thân nứt nẻ thành vết dài màu nâu xám, ngọn chùn, quả không phát triển, đôi khi làm chết của cây.
Nguyên nhân: độ ẩm cao và nhiệt độ cao, cây trồng được bón quá nhiều đạm.
Cách khắc phục: phun phòng bổ sung Phân bón lá VK Humat 2.5-3-TE theo định kì, bôi vôi ở gốc khi cây từ 20-25 ngày tuổi.
3.4 Bệnh héo thân, chết cây con ở cây Dưa Lưới
Dấu hiệu nhận biết: cây con thường dễ đổ ngã, bộ rễ nhanh bị thối nhưng lá vẫn xanh.
Nguyên nhân: Do đất trồng, giá thể trồng bị nhiễm nấm bệnh hại gốc, thời tiết mưa ẩm kéo dài.
Cách khắc phục: Trước khi xuống giống, cần xử lý đất và khử trùng đất bằng nước vôi trong và làm đất thông thoáng nhất có thể.
3.5 Bệnh lở cổ rễ, thối gốc ở cây Dưa Lưới
Dấu hiệu nhận biết: Biểu hiện đầu tiên là ở phần gốc sát mặt đất xuất hiện chấm nhỏ màu đen, sau đó lan rộng rất nhanh bao bọc quanh cổ rễ khiến thân, lá cây bị héo rũ. Sau khoảng 1 tuần thì rễ và gốc cây bị thối nhũn, cây đổ gục và chết lụi.
Nguyên nhân: Do các loại nấm như Fusarium solani f.s. phasceli, Rhizoctonia solani Kuhn…gây ra, chúng phát triển mạnh trong điều kiện mưa nhiều, nhiệt độ thấp, hoặc thời tiết nóng lạnh bất thường. Đất bị trũng và ứ đọng nước.
Cách khắc phục:
- Khi làm đất: xử lý bằng vôi vào đất 10 ngày trước khi trồng. Sử dụng chế phẩm Trichoderma để bón lót cho đất trồng.
- Thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, kiểm tra cắt tỉa cành lá ở gốc tạo độ thông thoáng và hạn chế nấm bệnh phát sinh.
3.6 Bệnh phấn trắng ở cây Dưa Lưới
Dấu hiện nhận biết: ban đầu có những đốm vàng nhỏ xuất hiện trên thân và lá, dần dần chuyển sang màu trắng và bao phủ toàn bộ lá và thân cây, khi bệnh phát triển mạnh sẽ khiến lá và quả của cây khô, rụng, làm giảm năng suất cây trồng.
Nguyên nhân: khi thời tiết mưa nhiều, độ ẩm không khí tăng cao là khoảng thời gian bệnh phấn trắng xuất hiện. Nấm Sphaerotheca pannosa là nguyên nhân chính gây ra bệnh phấn trắng.
Cách khắc phục: sử dụng thuốc Anvil phun ngay khi phát hiện bệnh.
IV- Lưu ý cách phòng chống các bệnh ở cây dưa lưới
Phòng bệnh hơn chữa bệnh, cách hiệu nhất hiện nay để phòng chống các bệnh ở dưa lưới là sử dụng nhà màng. Nhà màng giúp cách ly cây trồng với môi giới truyền bệnh xung quanh và có thể kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật tốt nhất. Nhà màng hiện nay rất đa dạng, độ bền nhiều năm và có giá thành phù hơp. Bạn có thể liên hệ ngay cho Vườn Sài Gòn để được tư vấn chi tiết hơn về cách thiết kế nhà màng trồng dưa lưới.
Ngoài ra, để cây dưa lưới tránh mắc phải các bệnh ở trên, bạn có thể áp dụng tổng hợp một số cách sau:
- Thu dọn sạch tàn dư thân lá bị bệnh. Các lá già, lá bị bệnh cần được ngắt bỏ
- Loại bỏ cỏ dại
- Mật độ trồng hợp lý, không quá dày để tránh bớt độ ẩm cao khi cây giao tán
- Bón phân cân đối N-P-K.
Bên trên là những loại sâu, bệnh hại thường gặp trên cây dưa lưới, các bạn hãy tham khảo để chăm sóc cho vườn dưa của mình thật năng suất nhé.