Bầu, bí là loại rau dễ trồng, năng suất cao và có thể trồng được quanh năm. Tuy nhiên, mùa mưa là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát triển. Hãy cùng Vườn Sài Gòn tìm cách phòng bệnh chết cây con trên bầu bí trong mùa mưa nhé!
1. Thối gốc (Rhizoctonia solani)
Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh thối gốc do nấm Rhizoctonia solani gây ra.
Bệnh thối gốc trên cây con họ bầu bí
Biểu hiện bệnh, khả năng gây hại
- Rễ bị thối nhũn, cây dễ ngã, lá non vẫn xanh.
- Nấm chỉ gây hại ở giai đoạn cây con đến khi có 1-2 lá thật. Bệnh còn làm thối đít trái. Bệnh phát triển mạnh khi ẩm độ cao, nấm lưu tồn trong những tàn dư.
- Nấm xâm nhập vào cổ rễ cây con chỗ giáp mặt đất. Cổ rễ bị thối nhũn. Cây con dễ ngã gục ngang mặt đất khi lá non vẫn xanh. Ban đầu vẫn còn tươi sau đó cây héo chết.
- Bệnh có thể tấn công suốt giai đoạn sinh trưởngcủa cây, thường gây thiệt hại nặng cho cây con, thường xảy ra trong khu đất cũ đã phát bệnh và ẩm độ cao. Nhiệt độ thích hợp để nấm phát triển là 25-30oC.
Biện pháp phòng ngừa
- Kiểm tra phát hiện sớm, tránh lây lan ra diện rộng.
- Chọn nơi trồng cao ráo, thoáng, dễ thoát nước.
- Luân canh cây khác họ.
- Tiêu hủy các cây nhiễm bệnh, xử lý lại đất bằng các thuốc phòng trừ nấm.
- Phun thuốc Amistar top 325SC, Anvil 5SC phun 5 – 7 ngày/lần.
2. Bệnh đốm phấn (Pseudoperonospora cubensis)
Nguyên nhân gây bệnh
- Bệnh đốm phấn do nấm Pseudoperonospora cubensis gây ra.
- Bệnh phát sinh, lây lan nhanh khi gặp điều kiện ẩm độ không khí cao.
- Nấm bệnh xâm nhập và gây hại nặng trong mùa mưa và những ngày có sương mù buổi sáng.
Biểu hiện, khả năng gây hại
- Bệnh hại chủ yếu trên lá. Đốm bệnh lúc đầu nhỏ, màu xanh nhạt sau đó chuyển sang màu vàng. Đốm bệnh có hình góc cạnh.
- Khi gặp ẩm độ cao, ngay vết bệnh ở mặt dưới của lá có xuất hiện một lớp phấn màu tím đỏ. Đây là bào tử của nấm bệnh. Các vết bệnh liên kết lại thành những vùng màu nâu nhạt.
- Cây bị bệnh nặng cho năng suất và chất lượng trái kém. Có thể chết cây.
Bệnh đốm phấn
Biện pháp phòng ngừa
- Sử dụng giống kháng hay chống chịu bệnh tốt.
- Không trồng liên tục cây cùng họ bầu bí.
- Luống trồng thoát nước tốt; dùng màng phủ nông nghiệp.
- Tránh đất bắn vào các lá gốc bằng cách ngắt bỏ bớt các lá gốc, lá bệnh.
- Vệ sinh ruộng trồng, tiêu hủy các cây lá bị bệnh, dọn sạch tàn dư sau mỗi vụ trồng.
- Phòng trị bằng Amistar Top 325SC, Ridomil Gold 68WG, Daconil hoặc Tilt super
3. Phấn trắng (Erysiphe sp.)
3.1 Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh do nấm Erysiphe cichoracearum De Candolle gây hại.
3.2 Biểu hiện và khả năng gây bệnh
- Bệnh gây hại trên lá, thân, cành và gây hại ngay từ thời kỳ cây con.
- Ban đầu bệnh xuất hiện những đốm nhỏ xanh vàng, bao phủ một lớp nấm xám dày đặc như bột phấn. Sau đó bao phủ hết cả phiến lá.
- Lá bị bệnh chuyển từ màu xanh sang vàng. Lá bị khô cháy và dễ rụng. Lớp phấn trắng xuất hiện trên cả thân, cành. Làm hoa khô rụng và chết.
- Bệnh phấn trắng gây hại cả 2 mặt lá, nhưng thường phát sinh gây hại mạnh ở mặt trên.
Bệnh phấn trắng
Biện pháp phòng ngừa
- Cắt bỏ, thu gom và tiêu hủy những cành lá quả đã nhiễm bệnh
- Thu dọn tàn dư bị bệnh đem đốt hoặc vùi dưới hố ủ phân.
- Tiêu diệt cỏ dại ven bờ, sử dụng giống chống bệnh.
- Dọn sạch tàn dư cây bệnh sau khi thu hoạch.
- Xử lý hạt giống trước khi trồng.
- Phun các loại thuốc như Anvil 5SC, Mancozeb, Amistar Top.
Trên đây là cách nhận diện và phòng bệnh chết cây non trên bầu bí trong mùa mưa. Hy vọng với những chia sẻ trên đây của Vườn Sài Gòn sẽ giúp bạn không còn phải đau đầu vì việc chăm vườn nữa. Chúc bạn có được một khu vườn thật xanh tốt!