Cá cảnh rất nhạy cảm với các yếu tố môi trường, nên người nuôi cá cảnh cần chú ý đến các biện pháp phòng trị bệnh để hạn chế thiệt hại. Sau đây là một số bệnh phổ biến thường gặp trên cá cảnh mà Vườn Sài Gòn muốn chia sẻ đến bạn.
1. Biểu hiện và cách xử lý cá nhiễm bệnh
1.1.Bệnh sình bụng
Cá bị bệnh này thường có triệu chứng bỏ ăn, bụng to, có khi đi phân trắng.
Để điều trị bệnh này có thể dùng các loại men tiêu hóa; đồng thời nâng nhiệt độ nước lên 32-330C. Trong quá trình điều trị có thể cho cá ăn thêm một ít lăng quăng để cá dễ tiêu hóa.
1.2.Bệnh đóng nắp mang
Nguyên nhân gây bệnh là do môi trường nước bị ô nhiễm, chất lượng nước không đảm bảo. Khi đó, chỉ một bên mang cá hoạt động nên dưỡng khí cung cấp cho cá không đủ, cá yếu và kém ăn.
Để phòng, trị bệnh cần cải thiện môi trường nước bằng cách thay nước, diệt khuẩn nước. Thường xuyên xúc rửa bể nuôi; đồng thời tăng nhiệt độ môi trường nước.
1.3.Bệnh xuất huyết vây
Biểu hiện bệnh là các tia vây bị xung huyết, nhất là vây đuôi. Bệnh thường xuất hiện trong những bể cá có mật độ cao, nhiều rong tảo nhưng lại thiếu oxy.
Để trị bệnh này, trước hết cần cách ly cá bệnh và san thưa cá. Sau đó ngâm cá bệnh trong nước muối với liều lượng 100 gam muối ăn cho 100 lít nước, kết hợp với việc dời bể cá ra chỗ nhiều ánh sáng và thay nước cho bể cá.
1.4.Bệnh đục mắt cá cảnh
Cá mắc bệnh thường có mắt màu trắng đục, sưng to dẫn đến cá bị mù nếu không điều trị kịp thời.
Để điều trị bệnh này, cần vớt cá bệnh cho vào hồ riêng; sau đó, sử dụng kháng sinh Tetracyline pha vào hồ với liều 4-5g/m3 nước, cộng với 20-30 gam muối hột/m3 nước (để nguyên hột).
Cần cấm sưởi nâng nhiệt độ hồ nước lên 31-330C. Cứ sau 24 giờ thì thay ½ nước, thêm ½ lượng kháng sinh và muối ban đầu vào hồ cho đến khi cá khỏi bệnh.
1.5.Bệnh do nấm
Cá có những đốm trắng nhỏ, có nhiều lông tơ, cá bơi lờ đờ, rồi lan rộng ra toàn thân. Bệnh thường xảy ra với các loài cá thích nhiệt độ ấm nhưng môi trường nước nuôi cá lạnh đột ngột. Hoặc khi cá bị trầy xước, sức đề kháng kém.
Để điều trị, cần cách ly cá bệnh vào một bể riêng, nước trong bể nuôi cần thay hoàn toàn và sát trùng kỹ. Đối với cá bệnh, dùng nước muối với tỷ lệ 300-350 gam/100 lít nước. Hoặc dùng thuốc tím (KMnO4) với lượng 0,3 gam/100lít nước ngâm cá trong vòng 15-60 phút (cần theo dõi kỹ sức khỏe của cá). Sau đó thay nước và dưỡng cá trong bể riêng 2-3 ngày; đồng thời dùng sưởi nâng nhiệt độ nước lên 32-330C.
1.6.Bệnh ký sinh trùng cá cảnh
Triệu chứng bệnh thường thấy là cá bị ngứa, giật vây, cọ sát vào thành hồ hay những nơi có bề mặt nhám. Điều này khiến cá dễ bị trầy xước, lở loét, từ đó phát sinh thêm các bệnh khác.
Trị bệnh: Pha 1 giọt thuốc trị ký sinh trùng Bionock 4/10 lít nước (bệnh nặng thì 2 giọt/15 lít nước). Bắt riêng cá bị bệnh ra khỏi hồ, ngâm và chữa riêng. Thay 30-50% nước hàng ngày và ngâm tiếp cho tới khi cá khỏi bệnh. Đặc biệt lưu ý, phải chạy lọc trong quá trình chữa bệnh và vệ sinh các vật liệu lọc để diệt trừ mầm bệnh.
1.7.Bệnh lở loét
Cá bệnh thường có một vết loét nhỏ trên thân sau đó lan rộng ra toàn thân làm cá chết. Bệnh này khá nguy hiểm bởi nếu không phát hiện kịp thời sẽ rất khó cứu chữa và gây chết cá.
Để điều trị bệnh này, trước hết cần nâng nhiệt độ lên 32-330C. Sau đó có thể dùng kháng sinh Metronidazole pha vào nước (tùy theo hàm lượng), kết hợp với sử dụng muối ăn với liều 200 gam/100lít.
Sau 2-3 ngày, thay 1/3 nước rồi tiếp tục xử lý nước thêm 1 lần nữa. Cần chú ý, trong thời gian điều trị khoảng 1 tuần đầu cá thường bỏ ăn, do đó không nên lo lắng dùng thêm nhiều loại thuốc khác.
1.8.Bệnh đốm đỏ cá cảnh
Cá bệnh thường có biểu hiện xuất huyết hai bên bụng. Cá bệnh nặng ấn vào thấy có dịch vàng, vây cá xơ xác, mắt và hậu môn lồi ra. Nguyên nhân là do nhiệt độ môi trường nước quá cao, chất lượng thức ăn của cá không đảm bảo.
Để điều trị cần cách ly ngay cá bệnh. Sau đó dùng kháng sinh Tetracylin trộn vào thức ăn với liều lượng 25mg/kg cá, cho cá ăn liên tục từ 5 – 7 ngày.
1.9. Bệnh do Stress
Cá dần dần tách ra khỏi đàn và bơi riêng lẻ, lờ đi nơi khác. Cá không ăn hoặc ăn ít hơn bình thường. Bị nặng, ở phần gốc vây sẽ xuất hiện những vết sung huyết, cá bỏ ăn và phản ứng chậm chạp hơn thường ngày.
Để điều trị cần lập tức thay nước mới cho bể nuôi. Sử dụng các biện pháp sục khí để tăng cường hàm lượng oxy cho bể nuôi. Bổ sung đầy đủ Vitamin C bằng cách trộn cho cá ăn hoặc tạt vào nước. Sử dụng thêm men vi sinh Extra Bio để xử lý nước, tạo môi trường trong sạch cho cá.
2. Biện pháp phòng ngừa bệnh cho cá cảnh
Duy trì một môi trường nuôi sạch sẽ và lành mạnh là rất quan trọng. Cần đảm bảo nuôi thông thoáng, mật độ phù hợp, không có chất ô nhiễm và đủ oxy. Ngoài việc điều chỉnh chế độ dinh dưỡng và sử dụng thuốc phù hợp, việc tăng cường vệ sinh ao nuôi và kiểm tra định kỳ chất lượng nước như pH, Amoniac và Nitrat là những biện pháp quan trọng để đảm bảo sức khỏe của cá cảnh.
Nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh trên cá cảnh, bạn nên tiến hành xử lý ngay lập tức để ngăn chặn sự lây lan.
Trên đây là một số thông tin về bệnh của cá cảnh mà người chơi thủy sinh thường gặp phải. Với bài viết này, Vườn Sài Gòn hy vọng sẽ cung cấp các thông tin hữu ích giúp bạn có thể biết và phòng tránh bệnh cho cá.