Cách phòng trị sâu ẩn nấp: sâu cuốn lá, sâu vẽ bùa

Khi bạn quyết định trồng cho mình một khu vườn nhỏ xinh, thì ngoài việc chuẩn bị các dụng cụ, hạt giống, chăm sóc cây thì bạn cũng nên tìm hiểu thêm về một số loại sâu hại cây trồng và cách phòng trị ẩn nấp. Bài viết sau đây chúng tôi sẽ chia sẻ cho bạn một số cách phòng trị bệnh về sâu cuốn lá, sâu vẽ bùa.

I. Sâu cuốn lá

1. Đặc điểm hình thái

Vòng đời sâu cuốn lá nhỏ từ 28 – 36 ngày.

  • Ngài (vòng đời 2 – 6 ngày): mép trước của cánh trước có màu nâu vàng, có hai vệt xiên màu nâu đen.
  • Trứng (vòng đời 6 – 7 ngày): trứng hình bầu dục dài 1.5mm, mặt trứng có vân mạng lưới rất nhỏ, đẻ mặt trên và mặt dưới lá, trứng mới đẻ có màu hơi đục khi gần nở chuyển qua hơi vàng.
  • Sâu non (vòng đời 14 – 16 ngày): Sâu non có 5 tuổi, mới mở sâu non có màu trắng trong, đầu đen, sau đó chuyển màu xanh lá, đầu nâu.
  • Nhộng (vòng đời 6 – 7 ngày) có màu vàng nâu, cuốn trong lá.
Vòng đời sâu cuốn lá

Vòng đời sâu cuốn lá

2. Triệu chứng gây hại

  • Ngài trưởng thành hoạt động đẻ trứng vào ban đêm, ban ngày chúng thường ẩn nấp, có xu tính mạnh với ánh sáng. Mỗi con cái có thể đẻ trên 100 quả trứng, rải rác khắp vườn.
  • Sâu non thường nhả tơ cuốn dọc lá thành một bao thẳng đứng hoặc tròn gập lại. Sâu nằm trong bao này ăn biểu bì mặt trên và diệp lục của lá theo dọc gân lá tạo thành những vệt trắng dài, các vệt nối với nhau thành từng mảng. Mỗi sâu non phá hại thường di chuyển vào buổi chiều (từ 6 giờ – 9 giờ tối).
  • Khi gặp thời tiết mưa nhiều, lá sâu ăn bị thối nhũn làm giảm nghiêm trọng khả năng quang hợp.
Sâu cuốn lá

Sâu cuốn lá

3. Biện pháp phòng trừ

a) Biện pháp canh tác, kỹ thuật

  • Vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ dại, để vườn luôn thông thoáng.
  • Điều chỉnh mật độ trồng phù hợp,
  • Bón phân cân đối, đặc biệt bón phân đạm vừa phải.
  • Kiểm tra và tỉa bỏ những lá cây chứa ấu trùng sâu, bắt giết sâu non và nhộng.

b) Biện pháp sinh học

  • Chú ý bảo vệ thiên địch như ong mắt đỏ Trichogramma sp., nấm… Ký sinh thiên địch của sâu cuốn lá nhỏ rất đa dạng từ các loài ong, nấm, các loài ăn thịt…
  • Sử dụng chế phẩm sinh học Bitadin, Bacillus Thuringiensis để trừ sâu hại.
Sử dụng ong mắt đỏ diệt sâu cuốn lá

Sử dụng ong mắt đỏ diệt sâu cuốn lá

c) Biện pháp hóa học

  • Dùng các loại thuốc Padan 95SP, Regent 800WP, Sairifos 585EC, Karate 2.5EC… phun khi sâu còn tuổi 1-2 mới gây hại, sâu đã lớn cần phá bao lá trước khi phun thì mới hiệu quả.

II. Sâu vẽ bùa

1. Đặc điểm hình thái

Sâu vẽ bùa phát triển gồm 4 giai đoạn là trứng, sâu non, nhộng, sâu trưởng thành gồm các đặc điểm hình thái:

  • Trứng (vòng đời 1-6 ngày): Dạng bầu dục, nhỏ. Lúc đầu trứng trong suốt, khi sắp nở chuyển sang màu trắng vàng.
  • Sâu non (vòng đời 4-10 ngày): Sâu non dài khoảng 4mm, mình dẹp, đốt cuối bụng có hình ống dài.
  • Nhộng (vòng đời 7-12 ngày): nhộng có màu nâu vàng, cạnh bên mỗi đốt thân có 1 u lồi, trên có 1 sợi lông.
  • Sâu trưởng thành (vòng đời 7-10 ngày): Sâu trưởng thành có cơ thể dài khoảng 2-3 mm, thân màu vàng nhạt ánh bạc.
Vòng đời sâu vẽ bùa

Vòng đời sâu vẽ bùa

2. Tập tính và khả năng gây hại

  • Bướm hoạt động về đêm, đẻ trứng mặt dưới lá của các lá non. Sâu trưởng thành đẻ được khoảng 80 trứng, thời gian đẻ trứng trong 2-10 ngày. Sâu non thường chui qua lớp biểu bì của lá ăn phần nhu mô lá tạo các đường ngoằn ngoèo dưới lớp biểu bì.
  • Đường đục dài và lớn dần theo độ trưởng thành của sâu. Khi đủ lớn, sâu non đục ra phần mép lá và hóa nhộng, sâu dùng tơ gấp che tổ kén nên lá có thể bị quăn lại, hoa và trái có thể bị rụng nếu nặng.
  • Sâu vẽ bùa là môi giới truyền bệnh ghẻ loét trên cam quít. Sâu vẽ bùa gây hại quanh năm, đặc biệt vào đợt ra đọt non vào mùa khô.
Sâu vẽ bùa

Sâu vẽ bùa

Sâu vẽ bùa

Sâu vẽ bùa

3. Điều kiện gây hại

Sâu vẽ bùa gây hại quanh năm, nhiệt độ thích hợp cho sâu vẽ bùa phát sinh gây hại là 25 – 29oC, ẩm độ 80 – 90%.

4. Biện pháp phòng trừ

a) Biện pháp canh tác

  • Chăm sóc tỉa cành, tạo tán, bón thúc phân cho ra mầm non tập trung, hạn chế sự phá hại của sâu. Thu dọn vệ sinh vườn để giúp thông thoáng và đốt các tàn dư hạn chế nguồn sâu hại.
  • Luân canh thay đổi cây trồng.
  • Bón phân hữu cơ vi sinh Đầu Trâu, Humic Trichoderma hoặc Humic DG Gold tăng sức đề kháng cây trồng, lá dày to giảm sự xâm nhập của sâu.
  • Thường xuyên theo dõi vào các giai đoạn phát triển của sâu. Trường hợp bị hại nặng nên cắt bỏ các chồi lá bị sâu đem tập trung một chỗ để đốt.
  • Có thể diệt sâu bằng tay (mật độ thấp): các đường sâu ăn có 2 đầu, phần đầu lớn có đốm màu xanh nhạt, đó là sâu vẽ bùa. Dùng tăm cào nhẹ nhàng và tiêu diệt sâu.
Sâu vẽ bùa

Sâu vẽ bùa

b) Biện pháp sinh học

  • Thiên địch ký sinh: Có nhiều loài ong họ Chalcidoidea và Ichneumonidea ký sinh trên sâu non và nhộng vẽ bùa, tỉ lệ kí sinh có thể lên đến 70-80%.
  • Thiên địch bắt mồi: Nhân nuôi thiên địch kiến vàng Oecophylla smaragdina là biện pháp có hiệu quả phòng trị sâu vẽ bùa cao
  • Có thể dùng các chế phẩm sinh học như Nano Thảo Mộc, Neem oil, Bacillus Thuringiensis để phòng sâu hại.

c) Biện pháp hoá học:

  • Khi mật số sâu quá cao, có thể dùng các loại thuốc nội hấp để phun hay các hỗn hợp sử dụng thuốc BVTV hợp lý để bảo vệ nguồn thiên địch của sâu vẽ bùa trong tự nhiên,
  • Khi mật độ gây hại cao, sử dụng luân phiên một số thuốc gốc như: (Chlorantraniliprole + Abamectin), Imidacloprid (Confidor 100SL), Cypermethrin (Viserin 4.5EC;….) Abamectin (Vibamec 1.8EC, Reasgant 5EC,…), dầu khoáng SK99,… có thể phối hợp chất bám dính với thuốc sâu để tăng hiệu quả phòng trừ để phòng trị. Phun lặp lại sau 7-10 ngày.

Trên đây là các cách phòng trị sâu ẩn nấp: sâu cuốn lá, sâu vẽ bùa đơn giản và tốt nhất. Vườn Sài Gòn hi vọng với các kiến thức trên có thể giúp bạn xử lí kịp thời khi sâu gây hại khu vườn của mình nhé.

Tác giả: Phương Thảo

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

DANH MỤC