Dưa leo bị rụng trái non và biện pháp khắc phục? Câu hỏi mà nhiều nông dân phố thường gặp phải, đặc biệt là vào mùa mưa. Điều này làm giảm năng suất và hầu như không còn quả nào trên cây. Vậy nguyên nhân là do đâu? Và biện pháp khắc phục như thế nào cho hiệu quả. Hôm nay, Vườn Sài Gòn sẽ chia sẻ cùng bạn 5 lý do chính làm dưa leo bị rụng trái non và cách khắc phục nhé.
1. Nguyên nhân do thiếu nắng và ánh sáng
Nguyên nhân:
Dưa leo là một loại cây ưa sáng và ưa nắng, vì vậy nếu sống trong điều kiện thiếu nắng cây sẽ vươn dài nhưng thân cây nhìn rất yếu ớt. Nếu trồng với mật độ quá dày, khi cây lớn lên sẽ che lẫn nhau, nụ hoa và quả non không đủ ánh sáng sẽ bị rụng.
Cách khắc phục:
-Tỉa hết hoa và cành gốc bên dưới lá thứ 4
-Bấm ngọn cành bên, chỉ để lại 20-25cm để cây dồn chất vào quả, không bị mất dinh dưỡng vào cành thừa.
-Mật độ và khoảng cách trồng: 1 thùng xốp chỉ trồng 1-2 cây. Nếu trồng luống thì mỗi cây nên cách nhau khoảng 40cm.
2. Nguyên nhân do thiếu dinh dưỡng
Nguyên nhân:
Cây trồng nói chung và dưa leo nói riêng đều cần đủ dinh dưỡng để sinh trưởng và phát triển. Khi cây thiếu dinh dưỡng hoặc trồng trong môi trường nghèo dinh dưỡng thì cây sẽ sinh trưởng khó khăn, hoa và quả cũng khó có thể đậu quả được – hầu hết sẽ rụng hết sau đó.
Ngoài ra, một lý do chính nữa đó là thói quen bón phân – tưới nước sai cách: cây cho hoa và đậu quả thì tỉ lệ Đạm (N) và Kali (K) nhu cầu rất cao cho nên thiếu khoáng chất này sẽ làm cho quả bị rụng rất nhiều, khó mà phát triển được. Trường hợp bón đầy đủ nhưng tưới nước quá nhiều, đạm và kali sẽ dễ bị rửa trôi. Cây thiếu hụt 2 chất này sẽ dễ bị rụng quả.
Cách khắc phục:
Bón phân – tưới nước hợp lý, mỗi giai đoạn sinh trưởng nên chọn các loại phân bón hợp lý:
-Giai đoạn cây còn nhỏ đến lúc trưởng thành: bón NPK đạm nhiều, ví dụ như 30-10-10
-Giai đoạn cây chuẩn bị ra bông: Bón NPK hàm lượng lân cao, để kích thích ra nhiều mầm hoa, ví dụ như 10-60-10 hoặc 11-55-11
-Đặc biệt là giai đoạn đậu hoa, đậu quả nên bổ sung nhiều Đạm và Kali để hạn chế rụng quả non trên cây dưa leo. Bạn có thể sử dụng NPK tổng hợp hoặc đạm đơn (ure), kali đơn.
3. Rụng trái dưa leo do lượng quả nhiều trên cây
Nguyên nhân:
Giống dưa leo tự thụ phấn của Isreal có năng suất rất cao, năng suất cao nhất là 10kg/cây, trung bình 5-6kg/cây. Việc trái đậu nhiều sau khi thụ phấn là một tín hiệu tốt. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc cây sẽ phải cần rất nhiều chất dinh dưỡng để nuôi quả. Nếu không đủ dinh dưỡng hay bầu đất chật hẹp, cây sẽ tự phản ứng bằng cách rụng bớt quả đi. Đây là hiện tượng tự nhiên của cây.
Biện pháp:
Tỉa bớt những quả ở dưới gốc, 1 nách chỉ để lại 1-2 quả, những quả ở trên ngọn thì để 3-4 quả/ nách, tối đa là 5 quả, như vậy không chỉ làm giảm hiện tượng rụng quả non mà còn làm tăng năng suất cho cây dưa leo.
4. Rụng trái trên dưa leo do tưới nước không hợp lý
Nguyên nhân:
Nguyên nhân này có 2 trường hợp: tưới nước không đúng nhu cầu của cây và tưới nước lúc trời đang nắng.
TH đầu hầu hết đều do thói quen tưới nước làm thừa và thiếu nước một cách mất cân bằng. Giai đoạn cây đậu quả cần rất nhiều nước, nếu thiếu nước trái sẽ bị rụng và bị đắng. Ngược lại, tưới quá nhiều sẽ làm rửa trôi mất đạm (N) và kali (K) – gây rụng quả.
Riêng trường hợp thứ 2 rất hay gặp đó là tưới nước cho cây dưa leo lúc trời đang nắng hoặc vừa mới tắt nắng, và hiện tượng rụng trái non vì bị sốc sinh lý xảy ra.
Biện pháp:
Tưới đủ nước theo nhu cầu từng giai đoạn của cây. Không tưới vào lúc trời nắng hoặc mới tắt nắng.
5. Nguyên nhân do nấm bệnh, côn trùng
Nguyên nhân:
Bệnh thối trái non do nấm bệnh tên Hoanephora Cucurbitarum hay nấm Phytophthora sp. Biểu hiện dễ thấy nhất là trái dưa leo non bị héo lại, tóp ở phần dưới của trái, trái đen và sau đó bị rụng khỏi cây.
Mặt khác do ruồi vàng và côn trùng chích hút, làm trái dưa leo bị vàng và rụng.
Ong bướm cũng là nguyên nhân, chúng ta biết rằng dưa leo thụ phấn là nhờ ong bướm cho nên ong bướm cũng vô tình hay chích vào trái dưa leo non, làm chúng bị vàng và rụng sau đó vài ngày.
Biện pháp:
Nên phun phòng các loại nấm bệnh hoặc vi khuẩn gây hại cho cây, nếu được nên phun phòng sớm nhất, sử dụng các loại thuốc trừ bệnh sinh học như Chế phẩm vi sinh P – Gro. Đối với các loại ong bướm, côn trùng chích hút, có thể dùng bẫy ruồi (bẫy côn trùng) để phòng trừ hiệu quả.
Bạn trồng và chăm sóc cây cho tới ngày ra hoa và đậu quả mà quả bị rụng thì thật là đáng tiếc phải không ạ? Hy vọng bài viết trên sẽ giúp bạn trong quá trình trồng và chăm sóc dưa leo tại nhà. Nếu có thêm bất kì thắc mắc gì bạn hãy liên hệ ngay với đội ngũ Kĩ Sư Nông Nghiệp của Vườn Sài Gòn qua số hotline: 0909 123 409 hoặc 0827 997 777 để được tư vấn miễn phí nhé.